Tăng gấp đôi lương trong vòng 1 năm là điều tôi chưa từng nghĩ sẽ làm được. Bởi lẽ, tôi vốn không hiểu biết nhiều về kinh doanh.
Các trang tuyển dụng thường khuyên mọi người nên cải thiện hiệu suất làm việc hoặc học thêm bằng để có một mức lương cao hơn, nhưng tôi nghĩ điều này đã không còn đúng nữa. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi rơi vào cái bẫy này, để rồi cảm thấy thất vọng tột độ.
Để tăng gấp đôi mức lương của mình, bạn có thể tham khảo những bước đơn giản sau đây của tôi.
1. Tận dụng tài nguyên trong công ty
Những lời khuyên này không có gì “đao to búa lớn”, do đó mọi người thường hay bỏ qua.
Lấy lòng khách hàng
Trong công việc, không gì mạnh bằng tiếng nói của khách hàng. Không có khách hàng thì cũng không có kinh doanh.
Chuyện tôi được tăng gấp đôi lương cũng nhờ vào một vị khách hàng lớn mà tôi làm việc cùng. Thay vì cố gắng làm hài lòng tất cả khách hàng trong danh sách, tôi dành phần lớn thời gian của mình cho một vị khách duy nhất.
Tuần nào tôi cũng gọi điện cho họ để thông báo tiến triển kinh doanh, giúp họ có trải nghiệm tốt hơn. Khi trục trặc xảy ra, tôi coi đó như là chuyện của mình và đấu tranh vì quyền lợi của họ.
Vị khách hàng này vô cùng cảm kích và thường xuyên khen ngợi tôi với cấp trên trong bộ phận. Nhờ vậy, sếp đã cho tôi tham gia kinh doanh cùng và lương tôi cũng được tăng gấp đôi.
Chọn công việc chỉ khai thác một kỹ năng duy nhất
Sai lầm của mọi người là cứ cố gắng học thật nhiều kỹ năng, để rồi chẳng làm chủ được cái nào.
Muốn lương tăng, bạn phải tập trung vào một kỹ năng duy nhất mà mình có. Chẳng hạn, vì có kỹ năng bán hàng nên tôi dành rất nhiều thời gian để học cách đàm phán, nói trước đám đông, xây dựng mối quan hệ và sử dụng thành thạo LinkedIn.
Đảm nhận vai trò lãnh đạo không chính thức
Điểm hay của những vị trí không chính thức này là bạn có thể dùng chúng để giới thiệu bản thân mình trên email hay LinkedIn.
Suốt những năm qua, tôi đã đảm nhận nhiều vị trí không chính thức và đây là lợi thế thương lượng mà tôi dùng khi được yêu cầu làm những việc không phải chuyên môn của mình. Các sếp sẽ không có vấn đề gì với điều này, chừng nào bạn vẫn tận tụy với họ.
Bạn có thể trở thành trưởng nhóm sáng kiến, người điều phối cuộc họp hoặc trưởng nhóm hướng dẫn thực tập sinh thay sếp. Nếu sau này bạn có cơ hội ngồi vào vị trí chính thức, bạn cũng có sẵn kinh nghiệm và không phải làm quen lại từ đầu.
Mỗi ngày ngồi ở một chỗ khác nhau
Do công ty cho phép nhân viên tự lựa chỗ làm việc, mỗi ngày tôi đều ngồi ở một vị trí khác nhau. Nhờ vậy, tôi đã gặp gỡ nhiều thành viên thuộc các bộ phận khác – những người sau này sẽ thuê tôi hoặc giới thiệu tôi các vị trí triển vọng hơn.
Ngồi một chỗ với những đồng nghiệp thân quen thì dễ, nhưng ngồi với người lạ và học cách làm quen họ mỗi ngày thì thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu vượt qua được giai đoạn ngại ngùng này, bạn sẽ mở rộng được mạng lưới quan hệ và có nhiều cơ hội để tăng lương ở các vị trí mới.
Hứng thú với công việc
Nhiều người chẳng hề yêu thích nghề nghiệp của mình; họ làm việc chỉ để có tiền trả hóa đơn hàng tháng.
Đáng buồn là, chỉ những người thực sự hứng thú với công việc mới có thể tiến xa và kiếm nhiều tiền hơn. Vấn đề là bạn không thể giả vờ được. Do đó, bạn cần phải lựa chọn thật kỹ khi quyết định nghề nghiệp, đảm bảo rằng công việc mình chọn xoay quanh kỹ năng mà bạn thành thục nhất.
Tham gia các cuộc họp với sếp
Bạn luôn có cơ hội tham gia các cuộc họp nếu đủ dũng cảm để hỏi sếp. Cách dễ nhất là xin đi cùng tới những buổi họp hàng tuần của sếp với các lãnh đạo khác.
Hãy hỏi sếp liệu bạn có thể tham gia họp để lấy kinh nghiệm, hứa rằng bạn sẽ ghi chép đầy đủ nội dung họp và gửi cho sếp vào cuối buổi. Cách này chưa bao giờ thất bại bởi nó giúp các lãnh đạo bận rộn được rảnh tay hơn.
Trong những buổi họp này, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ cấp trên. Bạn sẽ nhận ra họ điều phối công việc giỏi như thế nào mà không phải làm việc quá nhiều. Tiếp xúc nhiều với những người này sẽ giúp bạn gia tăng kinh nghiệm và nảy sinh thêm nhiều ý tưởng giúp sự nghiệp thăng tiến.
Chăm chút vẻ ngoài
Dù thích hay không, tại cơ quan, mọi người cũng sẽ đánh giá bạn một phần dựa trên vẻ ngoài. Điều này có nghĩa là bạn phải ăn mặc ra sao cho phù hợp với công việc và môi trường mình đang làm.
Nếu làm việc ở tập đoàn lớn, hãy mặc suit mới. Nếu làm việc ở công ty công nghệ, hãy mặc trang phục thoải mái như áo phông, quần jeans. Nếu là lãnh đạo, hãy mặc chỉn chu hơn cấp dưới của mình.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý hơn tới tiểu tiết: đánh bóng giày, mang thêm cặp tài liệu hoặc balo để trông chuyên nghiệp hơn, để tóc tai gọn gòng.
Đừng hỏi xin tăng lương
Nhiều trang tuyển dụng tin rằng nếu muốn được tăng lương, bạn nên đề xuất trực tiếp với sếp.
Tuy nhiên, đây là một lời khuyên sai lầm. Hãy thử nhìn sự việc bằng con mắt của người lãnh đạo. Liệu họ có sẵn sàng trả thêm cho bạn trong khi khối lượng và chất lượng công việc vẫn giữ nguyên?
Chỉ khi công việc hoặc vị trí có sự thay đổi, bạn mới có tư cách để đàm phán lại lương. Nếu ở trong trường hợp đó, hãy nhớ một số lưu ý sau:
– Đừng bao giờ đề xuất mức lương mong muốn – hãy để sếp bắt đầu trước
– Phản hồi lại với một mức lương cao hơn
– Nhắc lại về những giá trị bạn đem về cho công ty, hiệu suất làm việc và khả năng của bạn
– Tỏ ra lịch sự khi đàm phán lương, sử dụng mẫu câu: “Liệu mức lương X có khả thi không?”
– Nếu con số bạn đưa ra bị từ chối, hãy thử đàm phán ở mức trung bình
2. Khai thác tài nguyên bên ngoài công ty
Đôi khi, dù cố gắng mấy thì công ty cũng không thể giúp bạn thăng tiến, buộc bạn phải rời công ty và tìm kiếm những cơ hội ở bên ngoài.Làm việc ít đi
Tìm kiếm cơ hội bên ngoài sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực. Để có thời gian cho việc này, bạn cần sử dụng thời gian khôn ngoan hơn.
– Tham gia ít cuộc họp hơn
– Hoàn thành công việc trước 6h chiều
– Tận dụng thời gian nghỉ trưa để gửi email cho những người có thể giúp đỡ bạn
– Đọc các sách về định hướng nghề nghiệp, chẳng hạn như “Làm thế nào để lấy lòng bạn bè và những người có ảnh hưởng?”
– Từ chối làm thêm việc nếu bạn đã có định nhảy việc
Khi đã có thêm thời gian, bạn có thể toàn tâm toàn ý để tìm kiếm các cơ hội bên ngoài.
Tận dụng mối quan hệ với các đồng nghiệp
Những người đã giúp tôi nhiều nhất trong việc tăng lương không phải nhà tuyển dụng mà là các đồng nghiệp cũ và các đồng nghiệp hiện tại.
Họ là những người làm việc trực tiếp với bạn, biết rõ kỹ năng và sở thích của bạn. Một lời giới thiệu từ họ có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn, quyết định đến việc bạn có thể tìm được một công việc mới hay không.
Khi tôi rơi vào cảnh thất nghiệp, chính đồng nghiệp cũ đã giúp tôi có được công việc hiện tại. Cách đơn giản nhất để nhờ họ giúp đỡ là mời họ đi cà phê khi có thời gian rảnh. Khi ấy, bạn có thể đề cập tới mục tiêu của mình và hỏi xin lời khuyên từ họ. Họ có thể sẽ đề nghị giúp đỡ bạn tìm việc trong quá trình ấy.
Ngoài ra, đồng nghiệp còn có thể tư vấn cho bạn về mức lương lý tưởng, giúp bạn tăng gấp đôi thu nhập trong tương lai.
Khai thác “chiếc máy in tiền” LinkedIn
Nền tảng LinkedIn đã giúp tôi tiếp cận rất nhiều cơ hội nghề nghiệp, thậm chí còn gợi ý cho tôi một số nghề tay trái phù hợp với kỹ năng viết lách và sử dụng mạng xã hội. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội được trò chuyện với những nhà tuyển dụng mà trước đây bạn chưa biết đến.
Để tận dụng nền tảng này, bạn có thể gia tăng giá trị của mình trên thị trường lao động bằng cách đăng một bài viết mỗi ngày. Đó có thể là ý tưởng do bạn nghĩ ra, hoặc bình luận về nội dung của người khác.
Bài chia sẻ của Tom Dennings – blogger người Australia, hiện đang viết bài cho CNBC và Business Insider.
(Theo Medium)